Chào các bạn, hôm nay mình lại xin phép được thể hiện quan điểm cá nhân về clip “Sự trăn trở của kẻ lười biếng”. Như ở bài viết trước, mình đã nói lên những điểm mình đồng tình và không đồng tình về clip đấy. Ở bài viết này, mình sẽ nói “vu vơ” hơn 1 chút nhé…
+
+
Mình đang tưởng tượng đến 1 viễn cảnh…
+
+
“Ở xã hội đấy, các em học sinh đi học như đi chơi, mỗi ngày đến trường là 1 ngày vui thực sự. Các em được tự do thoải mái và dân chủ. Các em thích học gì thì học, tùy theo đam mê của các em. Nếu môn nào các em cảm thấy không có hứng học thì chỉ cần nói với giáo viên là các em sẽ không phải học môn đó nữa…
+
+
Ở xã hội đấy, các em có thể thoải mái đổi ngành mà các em theo học. Vì đam mê của các em có thể thay đổi tùy theo hứng học và sự trưởng thành trong nhận thức của các em. Giáo án của giáo viên cũng không được đưa vào quá nhiều kiến thức, vì làm thế các em sẽ lại cảm thấy áp lực, và sẽ không còn muốn theo đuổi đam mê đấy nữa, mà sẽ thay đổi và theo đuổi 1 đam mê khác nhàn nhã hơn…
+
+
Ở xã hội đấy, không còn tồn tại điểm số nữa, các em có thể vẫn sẽ làm những bài kiểm tra, nhưng giáo viên ko cần chấm điểm. Trước khi giảng 1 điều gì đó, giáo viên phải trình bày vai trò, mục đích của môn học đó đối với học sinh. Nếu như các em cho rằng giáo viên nói viển vông, các em cho rằng môn học này sẽ không áp dụng được vào thực tiễn sau này, các em có quyền không cần học môn học đó mà không hề bị khiển trách…
+
+
Ở xã hội đấy, lượng kiến thức phải đảm bảo không có em học sinh nào phải thức quá khuya để học, đảm bảo cho các em lên giường đi ngủ sau khi xem xong chương trình “Chúc bé ngủ ngon” trên tivi, mà vẫn có thể hoàn thành xong bài tập. Ở xã hội đấy, tuy không có điểm số trong các kì thi, nhưng không biết vì 1 số tiêu chí trừu tượng nào đó, người ta vẫn có thể tìm ra ai là người chiến thắng, ai về đích với vị trí thứ nhất…
+
+
Ở xã hội đấy, sau khi học xong 9 năm học cơ bản, các em không cần có 1 chứng chỉ hay bằng cấp nào cả. Các nhà tuyển dụng sẽ dựa vào năng lực tiềm ẩn của các em để tuyển các em, mà không cần thông qua bằng cấp. Các nhà khoa học lúc đó có lẽ sẽ tìm cách để phát minh ra chiếc máy đo năng lực tiềm ẩn của con người…
+
+
Ở xã hội đấy, không còn tồn tại sự bất bình đẳng, sự tự phụ, tự ti, tị nạnh, cạnh khóe. Những em học sinh luôn coi nhau như máu mủ ruột thịt, không còn chuyện người điểm thấp, người điểm cao nữa…
+
+
Ở xã hội đấy, các em học sinh sẽ không còn phải học thuộc lòng nữa. Đối với những môn khoa học tự nhiên, các em không cần học thuộc các công thức, các em chỉ cần tư duy logic, và tự tìm ra cách giải. Các em có quyền tự cho phép mình làm hay không làm bài tập, mà không hề bị đánh giá gì hết, vì khi đó điểm số mà cuộc đời dành cho mỗi em mới là quan trọng…
+
+
Ở xã hội đấy, nhà trường khi đó không cần quan tâm đến việc các em có thi đỗ hay không, mà cái cần chú trọng đó là khâu tu dưỡng đạo đức của các em học sinh, giống như những trại giáo dưỡng vậy. Và mỗi nhà trường phải nỗ lực tối đa, đừng để bất kì 1 đứa trẻ nào trở nên hư hỏng, vì như vậy là nhà trường đã thất bại, như vậy là cả dân tộc đã thất bại…
+
+
Ở xã hội đấy, muốn được sự chấp thuận của các em học sinh về 1 môn học nào đó, thì giáo viên phải làm cho các em nhìn thấy mục đích thực dụng của môn học đó. Nhưng hãy cứ yên tâm, tuy các em có suy nghĩ thực dụng như vậy, nhưng sau này các em sẽ không sống vì lợi ích của bản thân, mà sống vì đồng loại, yêu thương và chia sẻ lẫn nhau…
+
+
Ở xã hội đấy, các em sẽ đấu tranh cho quyền từ chối học tập. Các em có quyền từ chối học những môn các em cho rằng sẽ bị ngu đi nếu học môn đó…
+
+
Ở xã hội đấy các giáo viên sẽ không có quyền ép các em học điều gì cả, mà phải để các em tự giác và chủ động. Dẫu các giáo viên có trở thành nô lệ của các em, cũng không sao cả, vì các em mới là trung tâm của việc học. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” bây giờ được chuyển thành “tôn trò trọng đạo”…
+
+
Ở xã hội đấy, những đứa trẻ la cà ngoài hàng net cũng có thể đọc vanh vách những phản ứng hóa học, các định luật toán học, giải thích được các hiện tượng vật lý… Ở xã hội đó, các nhà giáo sẽ không ai có hứng thú trong việc viết sách ôn thi nữa, vì viết sách ra, chỉ làm các em học sinh thêm khổ…
+
+
Ở xã hội đấy, các em học sinh miền núi, các em học sinh ở các tỉnh huyện nghèo thì đừng mơ tưởng đến chuyện được đi học. Vì học thì phải đi đôi với hành, có hành thì mới có hứng, không đủ điều kiện mà học thì chỉ có hại. Không có bàn học, trường lớp, miếng ăn còn không đủ, điều kiện như vậy thì học chỉ có hại mà thôi…”
+
+
Ấy chết, mình nói lan man quá rồi. Xin lỗi mọi người nhé.
+
+
Vào chủ đề chính, mình có đọc khá nhiều các bình luận của mọi người dành cho những quan điểm cá nhân của mình. Người đồng tình có, không đồng tình cũng có. Đấy cũng là điều dễ hiểu vì mỗi người có 1 quan điểm riêng. Về phần mình, cho đến thời điểm hiện tại, mình vẫn giữ nguyên những quan điểm mình đã nêu lên ở bài viết trước và chưa có gì thay đổi cả.
+
+
Mình không thể hiểu nổi tại sao, khi KLB làm clip như vậy về nền giáo dục, nhưng trường của KLB lại mừng vì điều KLB làm. Dẫu biết clip KLB làm là nói về nền giáo dục nói chung, nhưng chắc hẳn, trước hết KLB đã rút ra rất nhiều điều ở môi trường giáo dục nói riêng – cụ thể ở đây là ngôi trường mà KLB đang theo học, để làm nên bài hùng biện xuất sắc đó. Nếu trường của KLB không như những gì KLB nói về nền giáo dục hiện nay, thì phải chăng, đúng là KLB đã có cái nhìn phiến diện về nền giáo dục nói chung, khi mà môi trường giáo dục nói riêng (trường của KLB đang theo học) không hề như vậy? Còn nếu KLB nhìn vào môi trường giáo dục nói riêng mà KLB đang theo học, để nói rộng ra cả nền giáo dục nói chung, mà thầy hiệu trưởng lại phát biểu như vậy, thì đúng là nền giáo dục của nước ta thật là thảm hại…
+
+
“Phân biệt giữa chơi và học là một khái niệm rất sai lầm. Học mà cứ nghĩ là mình đang học, tự chúng ta biến việc học thành khác biệt với các công việc khác. Khi đọc sách ta không nghĩ là mình nên học, điều đó chỉ khiến mình buồn ngủ và khó tiếp thu hơn. Ta tự tạo cho mình hứng thú, từ đó sách sẽ mang lại cả chân trời kiến thức. Nên đôi khi học là một cách giải trí văn minh.” - Mọi người thử đọc kĩ đoạn văn trên mà KLB đã nói trong clip, và nghĩ về toàn bài hùng biện của KLB, mọi người sẽ nhận thấy 1 số điều mâu thuẫn khá là thú vị đấy.
Thân,
Trần Thanh Bình